2020 là năm đáng nhớ của MILO khi liên tiếp “ra quân” nhiều hoạt động thiết thực, góp phần bảo vệ hành tinh xanh, hiện thực hóa sứ mệnh đồng hành cùng cộng đồng vì môi trường và phát triển bền vững.
“Bên cạnh sứ mệnh nâng cao chất lượng cuộc sống, nuôi dưỡng thế hệ Việt Nam năng động và khỏe mạnh, công ty còn mong muốn cùng cộng đồng hành động vì môi trường bền vững”, ông Ali Abbas - Giám đốc ngành hàng MILO và Sữa, Công ty Nestle Việt Nam khẳng định. Đây cũng chính là sứ mệnh đã được MILO thực hiện một cách nghiêm túc từ đầu năm 2020 và tiếp tục mở rộng trong năm 2021.
Đẩy ống hút vào trong, mở 2 tai hộp, xếp dẹp rồi nhẹ nhàng bỏ vào thung thu gom và tái chế - Huỳnh Chánh Kiến (học sinh lớp 4I, Trường TH Nguyễn Thái Sơn, quận 3, TP.HCM) thoăn thoắt thực hiện 4 bước tái chế vỏ hộp sữa MILO mà em được hướng dẫn.
Mới chỉ vài tháng trước, công việc này vẫn còn khá xa lạ, nhưng giờ đây, nó đã trở thành thói quen của Chánh Kiến và rất nhiều học sinh Trường TH Nguyễn Thái Sơn. Đây là kết quả nằm ngoài sự mong đợi sau khi cuộc thi “Hành trình xanh - Tái sinh vỏ hộp sữa” khép lại, mà Nestle MILO là đơn vị đồng hành tổ chức cùng Tetra Pak và Revival Waste.
Không riêng Trường TH Nguyễn Thái Sơn, trong năm đầu tiên tổ chức, cuộc thi “Hành trình xanh - Tái sinh vỏ hộp sữa” đã tiếp cận khoảng 280.000 học sinh tại gần 400 trường mẫu giáo và tiểu học trên địa bàn TP.HCM.
Bằng việc hướng dẫn, khuyến khích trẻ thu gom, tái chế vỏ hộp sữa qua 4 bước đơn giản, cuộc thi đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho thế hệ tương lai.
Thông điệp ý nghĩa “4 bước đơn giản tái sinh vỏ hộp sữa” xuất hiện trên bao bì các sản phẩm Nestle MILO uống liền từ năm 2019 và được củng cố qua cuộc thi này, một lần nữa nhắc nhớ quy trình tái chế đơn giản, dễ thực hiện, có thể áp dụng với tất cả người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em.
Theo ông Ali Abbas - Giám đốc Ngành hàng MILO và sữa Công ty Nestle Việt Nam, thông điệp “4 bước đơn giản tái sinh vỏ hộp sữa” sẽ giúp thế hệ tương lai hiểu được mỗi hành động của cá nhân đều có tác động tác động đáng kể đến môi trường, từ đó, tự nâng cao ý thức bảo vệ, giữ gìn màu xanh của Trái Đất.
Sau khi thu gom đúng cách, MILO đã tái chế rác thải từ các vỏ hộp sữa và làm thành thùng phân loại rác, vật dụng thể thao… Từ đây, cuộc sống mới của những vỏ hộp cũ bắt đầu. Sau chưa đầy nửa năm triển khai, cuộc thi “Hành trình xanh - Tái sinh vỏ hộp sữa” đã thu về trái ngọt khi có 3,5 triệu vỏ hộp được thu gom, 360 thùng phân loại rác, 50 trụ bóng rổ ra đời và được trao tặng cho các trường học trên địa bàn thành phố.
Kết quả tích cực này tiếp tục trở thành bàn đạp để Nestle MILO tiến đến mục đích xa hơn, đó là xây dựng và lắp đặt các sân chơi Năng động Việt Nam từ những vật dụng thể thao được tái chế bằng vỏ hộp sữa.
Tháng 5/2020, Nestle MILO chính thức ký Biên bản Hợp tác với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, nhằm xây dựng và lắp đặt 30 sân chơi Năng động Việt Nam trên khắp cả nước. Sân chơi Năng động Việt Nam được khánh thành giữa năm 2020 tại thị trấn Tứ Trưng (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) là bước đi đầu tiên trong hành trình mang đến những sân chơi thể thao bổ ích, nâng cao sức khỏe cho trẻ em, cũng như góp phần bảo vệ môi trường của Nestle MILO nói riêng và Nestle Việt Nam nói chung. Từ sân chơi mẫu này, các sân chơi Năng động Việt Nam khác sẽ được nhân rộng đến các địa phương khác trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, trong tháng 6 vừa qua, Nestle MILO đã đồng hành cùng chuỗi siêu thị Co.opmart thực hiện thí điểm mô hình Khu vườn tái chế Vỏ hộp sữa, thu gom được gần 15.000 vỏ hộp sữa chỉ sau gần một tháng diễn ra chương trình. Trong mục tiêu ngắn hạn, thương hiệu đang từng bước áp dụng thí điểm mô hình khu vườn tái chế vỏ hộp sữa trong năm nay.
Kể từ khi có mặt tại thị trường Việt Nam năm 1994, Nestle Việt Nam đã đặt ra cam kết: Tất cả vật liệu trong sản xuất hộp đồ uống như sợi giấy, nhựa, nhôm… phải được tái chế, tái sử dụng bằng những kỹ thuật chuyên biệt. Vật liệu được biến thành các sản phẩm mới, cắt giảm lượng chất thải được đưa đến bãi chôn lấp và giảm nhu cầu tài nguyên. Và cuộc thi “Hành trình xanh - Tái sinh vỏ hộp sữa” là một trong những bước đi chứng minh cho nỗ lực ấy.
Không chỉ mang lại cuộc đời mới cho những bao bì cũ, tập đoàn dinh dưỡng hàng đầu thế giới còn hướng tới một tương lai không rác thải, thông qua nhiều hoạt động thiết thực khác. Và sử dụng vật liệu thân thiện môi trường là một trong số đó.
Từ năm 2019, Nestle đã thay ống hút nhựa bằng ống hút giấy cho dòng sản phẩm MILO Bữa Sáng. Thương hiệu còn chứng minh khả năng am hiểu khách hàng của mình bằng việc sử dụng loại ống hút giấy có thể bẻ cong. Thay đổi này vừa giúp trẻ dễ dàng thưởng thức trọn vẹn hương vị sữa lúa mạch ngũ cốc trong MILO Bữa Sáng, vừa củng cố tình yêu người tiêu dùng Việt đã dành cho MILO suốt 25 năm phát triển trên thị trường.
Số ống hút giấy đưa vào sử dụng lên đến con số 16 triệu, góp phần giảm thiểu 6,7 tấn rác thải nhựa. Để thấy rõ hơn kết quả ấn tượng này, hãy nhìn vào những con số quy đổi thú vị: Ống hút giấy MILO xếp nối tiếp nhau dài 2.200 km, gấp 1,5 lần khoảng cách giữa Hà Nội và TP.HCM. Bước đi quan trọng này góp phần đưa Nestle tiến gần cam kết áp dụng 100% bao bì có thể tái chế hoặc tái sử dụng được vào năm 2025.
Thế nhưng, phát triển bền vững không đơn giản là sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, mà còn phải đảm bảo chất lượng sản phẩm không đổi, thậm chí nâng cao trải nghiệm người dùng.
Thách thức này trở thành nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khi có ý định ứng dụng vật liệu tái chế. Thế nhưng, Nestle Việt Nam với quyết tâm hiện thực hóa sứ mệnh bảo vệ hành tinh xanh, đã làm được điều khác biệt. Với ống hút giấy được sản xuất theo tiêu chuẩn châu Âu, an toàn khi sử dụng và không làm thay đổi hương vị thức uống MILO quen thuộc, Nestle đã trở thành là doanh nghiệp thực phẩm đầu tiên tại Việt Nam sử dụng ống hút giấy có chứng nhận FSC cho các sản phẩm dinh dưỡng uống liền.
Chứng nhận FSC được cấp cho các doanh nghiệp đáp ứng đủ bộ tiêu chuẩn và nguyên tắc cho việc thực hiện quản lý rừng bền vững. Chứng nhận FSC có thể được coi như một minh chứng rõ ràng nhất cho trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với con người, xã hội và bảo vệ môi trường, nguồn sinh thái.
Đây cũng là bước đi chiến lược để hiện thực hóa tầm nhìn của Tập đoàn Nestle: Không bao bì nào của Nestle, kể cả bao bì nhựa, bị thải ra môi trường dưới dạng rác, và đến năm 2025 các sản phẩm Nestle sẽ áp dụng 100% bao bì có thể tái chế hoặc tái sử dụng được. Xa hơn nữa, đến năm 2030, tập đoàn đến từ Thuỵ Sĩ, đặt mục tiêu giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương của Chính phủ Việt Nam.
Ông Ali Abbas, Giám đốc ngành hàng MILO và sữa, Công ty Nestle Việt Nam, chia sẻ: “Việc áp dụng ống hút giấy cho sản phẩm MILO Bữa Sáng là một trong những nỗ lực đầu tiên của chúng tôi nhằm mang đến những hành động thiết thực vì môi trường. Đây là một hành trình dài. Chúng tôi sẽ không ngừng nghiên cứu, phát triển và thực thi những sáng kiến mới. Thông qua đó, chúng tôi hy vọng truyền cảm hứng đến sự thay đổi tích cực trong thói quen tiêu dùng và chung tay vì sự phát triển bền vững. Những hành động nhỏ nhưng thiết thực ngày hôm nay sẽ tạo nên những ảnh hưởng tích cực lớn trong tương lai, nếu tất cả chúng ta cùng chung tay hành động vì môi trường”.
Có thể thấy, việc tái chế, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường tưởng chừng đơn giản, nhưng nếu mỗi cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức chung tay hành động mỗi ngày, thì môi trường tương lai sẽ có thể đón nhận những tác động lớn tích cực hơn. Không chỉ dừng lại ở 6,7 tấn rác nhựa được ngăn chặn thải ra môi trường, hay 3,5 triệu vỏ hộp sữa được “tái sinh”, mà những con số ấy sẽ còn nhân lên gấp nhiều lần hơn nữa.