Rectangle 458.png - Cloned fad-m.jpg - Cloned

02/05/2019

SẴN SÀNG CHO TRẺ CHƠI THỂ THAO

SẴN SÀNG CHO TRẺ CHƠI THỂ THAO

Bài 1: Vì sao trẻ không thích chơi thể thao?

Trẻ em thường xuyên chơi đùa và vận động sẽ có được nhiều lợi ích cho sức khỏe như có hệ cơ xương vững chắc; phát triển chiều cao; tăng sức dẻo dai và sức chịu đựng; tránh nguy cơ béo phì… Đặc biệt những môn thể thao đồng đội sẽ giúp hình thành lòng tự trọng, phát triển kỹ năng phối hợp cũng như duy trì thể lực cho trẻ; đồng thời giúp trẻ học cách tương tác với bạn bè cũng như với người lớn.

Tuy nhiên, một số trẻ không hề yêu thích vận động chút nào, trẻ sẽ thổ lộ với mẹ rằng con không thích thể thao. Vậy bố mẹ phải làm gì đây? Sau đây là một số lý do khiến trẻ không thích chơi thể thao, mẹ hãy tìm hiểu xem trẻ đang thuộc nhóm nào để có thể khắc phục vấn đề này nhé:

Vì trẻ vẫn còn đang phát triển các kỹ năng cơ bản

Đến khoảng 6 - 7 tuổi thì hầu hết trẻ em mới hoàn thiện được các kỹ năng về thể chất, sự chú ý và khả năng nắm bắt các quy tắc cần thiết để chơi những môn thể thao có tổ chức, thể thao đồng đội hoặc những môn cần kỹ thuật như bóng đá, bóng rổ... Những trẻ mới làm quen hoặc không thường xuyên luyện tập thể thao đều cần thời gian để nắm được các kỹ năng như dẫn bóng, bắt bóng, chuyền bóng… Cố gắng rồi thất bại hoặc thua kém bạn bè trong các môn thể thao có thể khiến trẻ ở lứa tuổi này thất vọng và lo lắng.

Bố mẹ có thể làm gì để giúp trẻ: Chơi với trẻ ở nhà. Dù là ném bóng vào rổ, bắt bóng hoặc chạy bộ cùng nhau thì cũng tạo cơ hội cho trẻ phát triển các kỹ năng và tăng cường thể lực trong một môi trường an toàn. Trẻ có thể thử (và có thể thất bại) những điều mới lạ mà không cần e ngại bị bạn bè đánh giá. Cùng lúc đó, bố mẹ cũng có được một khoảng thời gian thật hữu ích và thú vị cùng con.

Vì huấn luyện viên hoặc đồng đội quá đề cao chiến thắng

Việc chiến thắng trong mỗi cuộc chơi thường khiến cho trẻ hưng phấn, mục tiêu chiến thắng cũng thường được đặt ra trước mỗi cuộc chơi. Tuy nhiên khi chưa chơi được một cách thuần thục và chuyên nghiệp, trẻ thường cảm thấy lo lắng hơn mỗi khi huấn luyện viên quát tháo ra lệnh hoặc đồng đội quá xem trọng chuyện thắng thua. Việc thiếu bình tĩnh, chỉ tập trung vào thắng thua khiến trẻ coi thể thao là một gánh nặng, không còn tinh thần vui chơi nữa.

Bố mẹ có thể làm gì để giúp trẻ:Tìm hiểu kỹ các lớp học thể thao trước khi đăng ký cho con; trò chuyện với huấn luyện viên và các phụ huynh khác về tiêu chí tham gia. Khi lớn hơn, trẻ có thể xử lý được những hoạt động mang tính cạnh tranh hơn như nhớ điểm số và theo dõi những trận thắng và thua trong mùa giải. Tính cạnh tranh sẽ tạo động lực cho một số trẻ, nhưng hầu hết chúng đều chưa sẵn sàng cho sự gia tăng áp lực cho đến khi trẻ được 11 hay 12 tuổi. Nếu huấn luyện viên hay đồng đội của trẻ không đồng ý, muốn áp đặt những chỉ tiêu quá sức, đây có thể là lúc để tìm một môn thể thao, một trò chơi vận động mới cho trẻ tham gia

Sợ hãi đám đông, nhút nhát, rụt rè

Những trẻ không có tố chất bẩm sinh với thể thao hoặc hơi nhút nhát có thể cảm thấy không thoải mái với các áp lực khi chơi thể thao, đặc biệt là các môn đồng đội. Có những trẻ còn lo sẽ làm bố mẹ, huấn luyện viên, hoặc đồng đội thất vọng.

Bố mẹ có thể làm gì để giúp trẻ:mong đợi và đặt kỳ vọng một cách thực tế và có cơ sở, hãy để trẻ biết mục tiêu chính của thể thao là vui và khỏe… Trước hết hãy cho trẻ tham gia các hoạt động hội trại, vui chơi tập thể cuối tuần để trẻ làm quen với đám đông và bớt nhút nhát; trong các hoạt động này thường có tổ chức các trò chơi vận động nhỏ với tiêu chí vui là chính có thể khiến trẻ hào hứng hơn và không bị áp lực khi vui chơi.

Vui chơi, vận động thể thao là một hoạt động sống không thể thiếu đối với trẻ. Nhờ vận động trẻ có thể phát triển toàn diện về thể chất cũng như tinh thần nên bố mẹ hãy luôn cố gắng để giúp trẻ có thể yêu thích chơi thể thao và lựa chọn môn thể thao phù hợp nhất nhé. Mẹ cũng có thể tham khảo thêm một số kiến thức thể thao để giúp trẻ tràn đầy năng lượng - vui chơi hăng say nhé.

Nguồn tham khảo: KID'S HEALTH