Rectangle 458.png fad-m.jpg

27/11/2019

Nỗ lực tập đá bóng, võ thuật và aerobic của các bé gái

Nỗ lực tập đá bóng, võ thuật và aerobic của các bé gái

 

Những động tác khó, chấn thương liên tục không khiến các em bỏ cuộc, mà quyết tâm vượt giới hạn bản thân, theo đuổi đam mê thể thao của mình.

Thể thao giúp trẻ phát triển sức khỏe, sự bền bỉ, thêm niềm vui, tự tin và biết cách kết nối với mọi người. Chăm chỉ luyện tập, nỗ lực vượt qua hạn chế về thể lực, các em bé gái đã chứng minh bóng đá, võ thuật không chỉ dành cho phái mạnh.

Bóng đá dành cho tất cả mọi người

Nguyễn Thị Anh Thư và Nguyễn Thanh Hằng là hai bạn nữ Việt Nam đầu tiên được chọn vào đội tuyển bóng đá nhí Việt Nam để tham gia tập huấn và thi đấu giải Cúp Milo Vô địch Thế giới tại Barcelona (Tây Ban Nha), diễn ra từ 30/7 đến 5/8, dành cho độ tuổi 10-11. Niềm đam mê thể thao đã tiếp sức mạnh cho hai em chăm chỉ tập luyện, nỗ lực cải thiện thể chất để sát cánh cùng 6 đồng đội nam, tranh chức vô địch với các đội bóng đến từ 12 quốc gia.  

 

 

Anh Thư và Thanh Hằng là hai bạn nữ trong đội tuyển bóng đá nhí Việt Nam tham gia giải đấu Cúp Milo Vô địch Thế giới tại Barcelona.

Nguyễn Thị Anh Thư (11 tuổi, tiền đạo) hào hứng kể, em đã vượt qua hơn 1.600 thí sinh, đến từ 118 trường tiểu học trên toàn địa bàn TP HCM để trở thành một trong 8 cầu thủ thi đấu tại Barcelona. Dù là con gái nhưng em luôn tự tin, không ngại đối đầu với các bạn nam. "Trước giờ chưa ai bảo với con, con gái thì không nên chơi đá bóng, chỉ nên chọn các môn nhẹ nhàng, phù hợp hơn. Bố mẹ không ngăn cản mà còn khuyến khích con siêng năng tập luyện để rèn luyện sức khỏe".

Tuy nhiên, để có được ngày hôm nay, Anh Thư đã có khoảng thời gian dài nỗ lực. Em kể, trước khi đến với bóng đá, Thư đã tham gia môn điền kinh. Lúc bắt đầu tập, em chỉ chạy được vài vòng sân đã thấm mệt. Dần dần, em cảm thấy yêu thích bộ môn này. Em tự giác thực hiện các bài tập và đưa ra mục tiêu cho bản thân để hoàn thiện. Tập luyện mỗi ngày, sức bền của Thư trở nên tốt hơn, thể lực được cải thiện. Em đã đạt thành tích ở giải điền kinh cấp quận, thành phố.

"Tính tự giác và sức bền này giúp con rất nhiều khi được chọn vào đội bóng 'Biệt đội vô địch nhí' của MILO. Trong chuyến đi đến Barcelona, con đã tập luyện thật tốt, cố gắng thi đấu mang giải về cho Việt Nam", em nói.

Chị Nguyễn Thị Thu Hương, mẹ em Anh Thư kể, ban đầu chị tạo điều kiện cho bé chơi thể thao để rèn luyện sức khỏe. Dù là con gái nhưng từ nhỏ bé có tính hiếu thắng và nóng vội, chị mong thể thao có thể giúp bé bình tĩnh hơn. Vượt ngoài kỳ vọng của chị, con đã lớn lên cùng thể thao, bớt dần cái tôi, biết thắng biết thua, tự vượt lên chính mình và chia sẻ nhiều hơn với các bạn.

Chị biết, để được là một trong 8 thành viên của đội bóng đại diện Việt Nam tranh tài cùng các tuyển thủ nhí quốc tế, con đã nỗ lực rất nhiều. Có mồ hôi, nước mắt và những lần bầm tím vì chấn thương nhưng bé không bao giờ than vãn, nản chí. Trong khi các bạn nam nổi trội hơn hẳn về thể lực thì Thư đã tập luyện chăm chỉ mỗi ngày để rèn luyện sức bền và kỹ thuật.

Cầu thủ nhí Anh Thư đã lớn lên cùng bóng đá và biết tự vượt lên chính mình

Anh Thư đã lớn lên cùng thể thao, biết tự vượt lên chính mình.

Cũng như Anh Thư, Nguyễn Thanh Hằng (11 tuổi) cũng là thành viên xuất sắc khi trở thành tiền vệ nữ trong "Biệt đội vô địch nhí". Được chọn vào đội tuyển bóng đá nhí thi đấu là thành quả của sự quyết tâm, tính bền bỉ và niềm đam mê của em. Thanh Hằng nhớ lại, những ngày đầu em đến với môn bóng đá, bố mẹ em không vui. Rất khó khăn em mới có thể thuyết phục bố mẹ cho em tập luyện. "Con nghĩ ba mẹ đã rất tự hào khi hay tin con được tập huấn và thi đấu tại Barcelona", em vui vẻ nói.

Hằng cũng nhận thấy sức bền của mình yếu hơn hẳn các bạn nam. Các bạn có điều kiện tập luyện bóng đá sớm, từ lúc 5-6 tuổi trong khi em chỉ mới tham gia môn thể thao từ năm 9 tuổi. Bóng đá là môn thể thao tập thể, một thành viên yếu về thể lực, kém về kỹ thuật sẽ làm cho kết quả đi xuống. Em không cho phép mình trở thành "gánh nặng" của cả đội.

Hiểu rõ điểm yếu của mình, em tự hứa với bản thân sẽ siêng năng hơn. Hằng thường xin thầy cho ở lại các buổi tập 1-2 tiếng, cố gắng gấp đôi so với đồng đội. Có những hôm mưa gió, đường xa, em vẫn đến sân bóng để tập luyện, hầu như không bỏ ngày nào.

Sau 2 tháng miệt mài, nỗ lực của em đã được đền đáp xứng đáng khi huấn luyện viên nhận xét sức bền và kỹ năng tiến bộ rõ rệt. Điều đó giúp em tự tin khi sát cánh cùng các đồng đội. Từ khi chơi thể thao, em còn cảm thấy khỏe và năng động hơn.

8 tuyển thủ nhí bền bỉ luyện tập trong 2 tháng hè trước thềm giải đấu

8 tuyển thủ nhí bền bỉ luyện tập trong 2 tháng hè trước thềm giải đấu.

Khi bé gái nỗ lực chinh phục võ thuật

4 năm theo đuổi bộ môn Vovinam, Nguyễn Đoan Trang (sinh năm 2002, Khánh Hòa) cũng nghe không ít người bảo con gái không phù hợp với đánh đấm. Thế nhưng, em vẫn kiên trì chứng minh cho mọi người thấy điều đó không hoàn toàn đúng.

Khi càng gắn bó với bộ môn này, em nhận ra Vovinam có nhiều thế đòn phù hợp với nữ, nên các bạn gái vẫn có thể học được. Học võ, em không cảm thấy bản thân mất đi nét nữ tính mà còn học sự điềm tĩnh, nhu mì, biết đúng sai và cảm thấy bản thân trưởng thành hơn nhiều.

Trang nhớ nhất lần thi đấu vào 2 năm trước, em bị chấn thương khá nặng, bị bung sụn gối. Gia đình và họ hàng đã phản đối, không cho em tiếp tục theo đuổi Vovinam. Dù lo lắng nhưng ba mẹ là người thấu hiểu niềm đam mê của em nên đã chiều lòng và tạo điều kiện. 

Trang đã vượt qua đau đớn khi tập luyện, biến khó khăn thành động lực. Bài tập càng khó em càng hào hứng chinh phục. Chỉ mới 17 tuổi nhưng em đã có trong tay 3 huy chương vàng giải võ Vovinam Khánh Hòa 2018, 2019.

Đoan Trang (bên phải) không cảm thấy học võ mất đi nữ tính mà còn học được sự điềm tĩnh, nhu mì, cảm thấy bản thân trưởng thành hơn

Đoan Trang (bên phải) không cảm thấy học võ mất đi nữ tính mà còn học được sự điềm tĩnh, nhu mì, cảm thấy bản thân trưởng thành hơn.

Theo thầy giáo Nguyễn Hoàng, huấn luyện viên đội tuyển Vovinam Khánh Hòa, Vovinam là sự kết hợp giữa học võ thuật và rèn luyện đạo đức. Môn võ này có những đòn thế mang tính nhu, cương, vừa mạnh mẽ vừa dẻo dai để phù hợp với mọi giới tính. Trong những năm gần đây nữ tham gia học rất đông, thậm chí nữ nhiều hơn nam.

Aerobic thử thách khả năng dẻo dai

So với bóng đá, võ thuật, Aerobic được nhìn nhận là môn thể thao ưu ái cho nữ giới hơn. Tuy nhiên, để theo đuổi môn thể thao này, các bạn nữ cũng không ngừng khổ luyện bởi mỗi môn thể thao đều có cái khó riêng. Aerobic không cần nhiều sức lực như bóng đá, võ thuật nhưng cần dẻo dai, linh hoạt.

Thầy Huỳnh Nguyễn Ngọc Sơn, huấn luyện viên trường Tiểu học Nguyễn Văn Banh (Thủ Đức) chia sẻ, Aerobic giúp các em học sinh rèn luyện thể chất lẫn tinh thần, cái thiện hình thể, nhất là đối với các học sinh nữ. Những bài tập khó như uốn dẻo, xếp tháp đòi hỏi kỹ thuật cao, mức độ chịu đựng khi luyện tập lớn nên các em không đam mê thật sự thường bỏ lớp sau 1-2 buổi đầu tiên. 

Aerobic giúp học sinh rèn luyện thể chất lẫn tinh thần, cải thiện hình thể, nhất là đối với các em nữ

Aerobic giúp học sinh rèn luyện thể chất lẫn tinh thần, cải thiện hình thể, nhất là đối với các em nữ.

Phan Bảo Giang (trường Tiểu học Nguyễn Văn Banh) là thành viên nổi bật trong số 3.300 học sinh thuộc 79 đội tuyển thi đấu tại giải Aerobic - thể dục cổ động cúp Milo lần 3 (diễn ra vào tháng 7 tại TP HCM). Tháng hè vừa qua cũng là lúc ước mơ được đứng trên sân khấu biểu diễn của Giang trở thành thành hiện thực.

Giang từng gặp khó khăn với bộ môn này trong thời gian đầu. Em kể, mỗi lần tập uốn dẻo nhiều là cơ thể bị đau nhức, bầm tím cả người nhưng em vẫn không chịu dừng lại. Đôi lúc, mẹ nhìn em mà xót lắm. Khó khăn không làm cô bé nản chỉ, ngày nào em cũng xin mẹ ở lại 1-2 tiếng để tập thêm với huấn luyện viên. Động tác đẹp mắt, uyển chuyển trong bài thi của Giang ghi điểm trong mắt ban giám khảo giải Aerobic.

Thể thao có vai trò quan trọng đối với sự phát triển thể chất, trí tuệ, giúp các bé rèn luyện sức khỏe, sự dẻo dai, tự tin vào bản thân. Chỉ cần có niềm đam mê, con gái vẫn có thể theo đuổi bộ môn thể thao yêu thích. Sự nỗ lực, cố gắng luyện tập không ngừng giúp các em vượt qua những thách thức, độ khó của môn thể thao ấy. Niềm đam mê, sự bền bỉ, lòng quyết tâm và tinh thần đồng đội chính là những bài học rút ra từ thể thao để các em áp dụng vào cuộc sống.

"Thể thao là người thầy tuyệt vời" vì thông qua thể thao, trẻ học được giá trị sống như tinh thần đồng đội, sự bền bỉ, lòng quyết tâm và niềm đam mê, giúp trẻ thành công hơn trong cuộc sống và trở thành nhà vô địch. Đó chính là niềm tin của Nestlé Milo.

Với niềm tin ấy, từ năm 2016, Nestlé Milo đã hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng cục Thể dục Thể thao triển khai chương trình "Năng Động Việt Nam" (Đề án 641) hướng đến việc xây dựng thế hệ trẻ em Việt Nam năng động và khỏe mạnh. Mục tiêu của chương trình nhằm khuyến khích lối sống năng động, thường xuyên luyện tập thể thao trong cộng đồng nói chung, nhất là trẻ em trong độ tuổi 6-17; hỗ trợ địa phương hoạt động thể dục thể thao, cung cấp trang thiết bị thể thao trong trường học, khuyến khích phụ huynh tạo điều kiện để trẻ em năng vận động.

 

Tác giả: Kim Uyên
Nguồn: Vnexpress