TPO - Chúng ta không thể luôn theo sau con, càng không thể ở mãi bên con. Vì lẽ đó, cách hay nhất chính là trao cho con “vũ khí” để bé tự đứng vững trên đôi chân của mình. Nhưng làm cách nào để bé phát triển kỹ năng sống và sớm trưởng thành thì không phải ai cũng biết!
Nghiên cứu chuyên sâu về não bộ cho thấy, đến giai đoạn 6 tuổi, trọng lượng não bộ của bé đã bằng 80% so với não người lớn. Chính vì thế, giai đoạn 6-12 tuổi được xem như giai đoạn vàng để giáo dục, phát triển kỹ năng và hình thành nhân cách cho trẻ, hỗ trợ sự phát triển toàn diện của trẻ.
Hiện nay nhiều phụ huynh tân tiến có con ở độ tuổi nhỏ đã có sự đầu tư nhất định trong việc tìm hiểu và tiếp nhận các phương pháp giáo dục toàn diện. Họ đã hiểu việc phát triển kỹ năng mềm cho trẻ cũng không kém phần quan trọng so với việc tiếp thu kiến thức trong trường học. Từ đó các bậc phụ huynh đã tích cực tìm hiểu và đăng kí cho con các chương trình ngoại khóa, các lớp học kĩ năng, trại hè,…
Tuy nhiên, có một hoạt động ngoại khoá cũng hết sức bổ ích trong việc rèn luyện kỹ năng sống mà có thể nhiều phụ huynh chưa nghĩ tới, đó chính là cho trẻ luyện tập thể thao. Bên cạnh những lợi ích về phát triển thể chất, hỗ trợ trẻ tuần hoàn máu não, tối ưu tư duy, giải tỏa căng thẳng sau giờ học,…, thể thao còn là “người thầy tuyệt vời” rèn luyện cho trẻ những đức tính đáng quý, dạy trẻ những bài học và giá trị sống vô giá.
Theo chuyên gia tâm lý Tô Nhi A, khi trẻ tham gia các môn thể thao có tính tập thể, trẻ sẽ cảm nhận được tinh thần đoàn kết với những người bạn đồng đội của mình, đặc biệt trong những tình huống trẻ và các bạn cùng phối hợp, hỗ trợ nhau ở các trận đấu, từ đó nâng cao tinh thần đồng đội, biết cách kết nối với mọi người. Và quan trọng, khi trẻ quyết tâm, nỗ lực bền bỉ thực hiện một mục tiêu nào đó trong lúc thi đấu hoặc tập luyện thể thao, đó cũng là lúc trẻ đang tự tiếp thêm niềm tin cho chính bản thân mình.
Nâng cao tinh thần đồng đội, tiếp thêm niềm tin cho chính bản thân mình – đó là những năng lượng tích cực mà trẻ nhận được thông qua việc tập luyện thể thao.
Tham gia giải Giải Vovinam học sinh toàn quốc – Cúp Nestlé MILO vừa qua, Võ Nguyễn Diễm Quỳnh không chỉ vui vì đạt được thành tích tốt, mà còn bởi em đã rèn được kỹ năng quản lý cảm xúc tốt hơn so với lúc trước.
Quỳnh chia sẻ, “Trước đây em rất cộc tính. Sau khi em học võ em đã trở nên trầm tính, điềm tĩnh hơn bởi có rất nhiều bài học về đạo đức được dạy song hành cùng võ thuật”. Hơn thế nữa, Diễm Quỳnh còn khẳng định nhờ võ, em cũng chơi với nhiều bạn hơn, trở nên chững chạc hơn bạn bè cùng trang lứa.
Không chỉ có vậy, qua các hoạt động thể thao, trẻ sẽ có xu hướng trở nên nhanh nhạy, linh động hơn. Con biết “đọc vị” cảm xúc của người khác, đánh giá đối phương và sớm chọn cho mình cách hành xử phù hợp trong cuộc sống thường ngày.
Thể thao giúp các con phát triển kỹ năng giao tiếp, biết chia sẻ nhiều hơn
Các hoạt động thể thao trong khuôn khổ chương trình Năng Động Việt Nam[TKHY1] như Vovinam, Aerobic, bóng đá, bóng rổ,…gần đây cũng được phụ huynh đánh giá rất cao. Nhiều trẻ đã lớn lên và trưởng thành hơn từ những hoạt động thể thao học đường này, rèn cho bản thân sự tự tin, quyết tâm, bền bỉ theo đuổi niềm đam mê và tinh thần đồng đội.
Bé Nguyễn Nam Trung (11 tuổi), học sinh trường trung học Phan Tây Hồ (Q. Gò Vấp) – 1 trong 8 cầu thủ nhí tham gia Cúp MILO Vô địch Thế giới 2019 - cho biết: Hồi mới vào đội bóng, Trung rất rụt rè, không chơi với ai mà chỉ ngồi một chỗ. Qua các bài tập bóng, Trung dần làm quen với thầy và các bạn mới, trở nên tự tin và dạn dĩ hơn . Từ một cậu bé nhút nhát, Trung giờ đã là đội trưởng của đội bóng, rất bản lĩnh và tự tin.
Không dừng lại ở đó, hoạt động ngoại khóa, đặc biệt tập luyện thể thao còn có thể giúp trẻ phát triển kĩ năng kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong cuộc sống. Theo lời thầy Lương Nguyễn Thế Anh (HLV của đội bóng Việt Nam tham dự Cúp MILO Vô địch Thế giới tại Barcelona vừa qua) cho rằng: “Qua bóng đá, các con luôn giữ được tinh thần chiến đấu máu lửa, biết cách tôn trọng đồng đội, tôn trọng đối thủ. Tôi cũng đã nhắc nhở các con: khi đá bóng, con tôn trọng bạn, chính là tôn trọng chính con, thắng thua không quan trọng”.
Những kỹ năng mềm này sẽ trở nên cần thiết và quan trọng hơn cả khi trẻ ngày một trưởng thành. Việc phát triển những kỹ năng này thông qua các hoạt động ngoại khoá sẽ giúp con thêm tự tin, dám đối đầu với khó khăn, nắm bắt cơ hội mới dễ dàng. Cùng với kiến thức học tập trong nhà trường, thể thao cũng sẽ là người thầy dạy con bài học quý giá về kỹ năng sống, giúp trẻ phát triển toàn diện, thành công trong cuộc sống sau này.
Tác giả: Linh Anh
Nguồn: Báo Tiền Phong