Không còn sợ nước, con tôi bơi thạo nhiều kiểu, nhờ ba mẹ sát cánh động viên từ câu chuyện chú cá nhỏ vượt nỗi sợ để sống với biển khơi.
Hồi còn nhỏ, có lần về quê, con đang chơi với bạn rồi trượt chân té xuống hồ. May thay, tôi có mặt kịp thời. Nhưng từ đó, con bắt đầu sợ nước. Năm con lên 8 tuổi, trường có môn bơi lội. Cứ đến tiết học, con lại trốn. "Cứ thấy nước là tim con đập nhanh, đổ mồ hôi nhiều", nghe con kể mà tôi xót xa, quyết định phải làm gì đó.
Cuối tuần, thay vì đưa con đi chơi, hai mẹ con mặc áo phao ra hồ bơi. Những ngày đầu, quả thật rất khó khăn với con. Chỉ bước đến mé hồ là con lại sợ. Tôi cố gắng giúp con nhận ra niềm vui của các bạn nhỏ khác khi tung tăng dưới nước thông qua tranh ảnh, phim hoạt hình theo lời khuyên của chuyên viên tư vấn tâm lý và các mẹ trên diễn đàn.
Mỗi lần đến bờ hồ bơi, tôi kể con nghe câu chuyện chú cá nhỏ vượt qua nỗi sợ để sống với biển khơi. Con tự ví mình là chú cá nhỏ, can đảm học cách bơi. Mất hơn một tháng, con mới tự tin bước đến hồ mà không cần mẹ động viên. Những trò chơi dưới nước của mẹ (ném bóng, tóe nước, vượt chướng ngại...) khơi gợi được sự hứng thú nơi con. Khi con dần vượt qua nỗi sợ là lúc hai mẹ con tập được những kỹ năng bơi đầu tiên.
Bố mẹ nên đồng hành cùng con, hỗ trợ và đưa ra lời khuyên cho con lúc cần thiết.
Lần đầu không mặc áo phao, con chìm xuống, uống nhiều nước nhưng không tỏ ra sợ hãi. Bằng tất cả sức lực, con cố gắng quạt tay chân, đẩy người nhoi lên mặt nước. Nhờ đó, con học cách tự ứng phó, kỹ thuật nhô lên - hụp xuống.
Mỗi tuần, tập một tiếng đồng hồ chưa đủ, con xin mẹ ở lại bơi thêm, về đến nhà là lăn ra ngủ ngon lành. Nỗ lực dần có kết quả khi con bơi được đoạn ngắn, rồi dần xa hơn. Gần một năm qua, con đều đặn đến hồ bơi vào cuối tuần. Những lúc mẹ bận, con đòi ba đi bơi cho bằng được.
Nhìn con cười rạng rỡ, tự tin thả lỏng cơ thể dưới hồ nước trong xanh, tôi vui vì bé đã mạnh mẽ, trưởng thành hơn. Đồng hành cùng con, tôi cảm nhận rõ con đã được rèn luyện tính dũng cảm vượt qua nỗi sợ thế nào. Tôi tin bài học giá trị đầu đời mà thể thao mang lại chính là sự can đảm, bền bỉ giúp con tự tin vượt qua chướng ngại trong cuộc sống sau này.
Thông qua thể thao, trẻ sẽ rèn luyện tính kiên trì, dũng cảm vượt qua giới hạn của bản thân.
Lần sang nhà kế bên chơi, tôi nghe chị Lài than vãn về con chị (10 tuổi) thừa cân, lười vận động. Sau giờ học, con chị chỉ quanh quẩn trong nhà xem tivi, chơi game... Bé dần trở nên ngại tiếp xúc với mọi người, rụt rè, nhút nhát trước mọi việc. Nghe tôi kể chuyện bé Min học bơi, chị Lài trầm tư, suy ngẫm. Ngay hôm sau, tôi đã thấy hai mẹ con có mặt ở sân bóng gần nhà, mồ hôi nhễ nhại. Người mẹ chưa từng chơi bóng rổ nhưng vẫn xỏ giày ra sân, chủ yếu động viên cậu bé. Cậu con cứ ném bóng là hụt, vậy mà vẫn kiên trì tập luyện.
Bẵng đi 4 tháng, trong lần trường con tôi tổ chức ngày hội thể thao, tôi chợt nhận ra cậu bé ghi bàn liên tiếp trên sân bóng rổ không ai khác chính là con chị Lài. Có mặt ở khán đài, mắt chị Lài long lanh, ánh lên vẻ tự hào. Cậu bé dẫn bóng, ném bóng, khéo léo vượt qua các chướng ngại. Con uyển chuyển chuyển bóng qua lại với các bạn, nhồi bóng nước rút, rồi bung người thật cao ném vào rổ.
Từ trải nghiệm mới mẻ với bộ môn này, cậu bé thay đổi rõ rệt. Thân hình thon gọn, nhanh nhẹn và linh hoạt hẳn. Chị Lài kể, để được vào đội tuyển của trường, con đã tập luyện suốt 2 tiếng mỗi tối. Lúc trật khớp, chị bắt con nghỉ ngơi nhưng khi mẹ không để mắt là con lại trốn ra sân. Những hôm trời mưa, con tự nhồi bóng trong nhà, quyết không bỏ sót bữa nào.
10 bạn trong đội tuyển đều chơi bóng rổ 2-3 năm, trong khi, con chỉ mới tập 4 tháng. Ngay cả cơ hội vào đội tuyển gần bằng 0 nhưng con không từ bỏ. Ngày con nhận kết quả, thầy cô đều bất ngờ, còn chị vui khôn tả xiết.
Trận đấu khép lại, nhưng hình ảnh về cậu bé con chị Lài càng cho tôi niềm tin về năng lượng tích cực của các bạn nhỏ. Chỉ cần cha mẹ động viên đúng lúc, cung cấp cho con các công cụ cần thiết, giúp con học cách tự giải quyết vấn đề, con trẻ sẽ tạo ra "kỳ tích". Đó không cần là "kỳ tích" lớn lao mà chính con có thể vượt qua giới hạn bản thân. Sự quyết tâm, tinh thần không bỏ cuộc, can đảm vượt khó khăn từ thể thao còn giúp các bạn nhỏ có bài học, trải nghiệm ý nghĩa đầu đời.
"Thể thao là người thầy tuyệt vời" vì thông qua thể thao, trẻ học được giá trị sống như tinh thần đồng đội, sự bền bỉ, lòng quyết tâm và niềm đam mê, giúp trẻ thành công hơn trong cuộc sống và trở thành nhà vô địch. Đó chính là niềm tin của Nestlé Milo.
Với niềm tin ấy, từ năm 2016, Nestlé Milo đã hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng cục Thể dục Thể thao triển khai chương trình "Năng Động Việt Nam" (Đề án 641) với sứ mệnh nuôi dưỡng thế hệ trẻ em Việt Nam năng động, khỏe mạnh.
Nguồn: Vnexpress