Thanh Thảo dành 30 phút mỗi ngày tập nhảy, yoga cùng con; duy trì hoạt động chạy bộ, bơi lội vào cuối tuần để cả nhà thêm gắn kết.
Thể thao mang đến nhiều lợi ích cho trẻ nhưng nhiều phụ huynh còn băn khoăn làm cách nào để con chơi thường xuyên. Theo MC Thanh Thảo, cha mẹ phải tạo cho con sự hứng thú, duy trì vận động để hình thành thói quen, cho bé thấy bài học giá trị mà thể thao mang lại.
Khơi gợi niềm yêu thích
Tạo cho con nguồn cảm hứng, động viên con đúng lúc là việc đầu tiên cha mẹ nên làm. MC Thanh Thảo kể, khi Dâu mới học bơi vào năm 6 tuổi, con rất sợ nước và sợ lạnh. Bé có động lực bơi tốt hơn khi có huấn luyện viên hiểu được tâm lý trẻ. Lúc mới tập, con chỉ thở nước 3 lần, nhưng thầy không bắt ép Dâu phải thở đủ 10 lần mới lên bờ mà động viên Dâu cố gắng làm tốt hơn trong những lần sau.
Từ đó, chị nhận ra rằng, khi cho bé tiếp xúc với môn thể thao nào phải khơi gợi cảm hứng nơi con và trong học tập cũng vậy. Người lớn cần theo sát để động viên trẻ đúng lúc.
Biết Dâu năng vận động, chị khéo dành khoảng sân tại nhà làm nơi chơi đùa cùng con. Vợ chồng chị cũng gắn một rổ bóng để con có thể tự tập luyện tại nhà sau mỗi giờ học. Chị dành những lời khen ghi nhận sự nỗ lực của bé: "Hôm nay, con đã có cố gắng để chạy hết một vòng sân, lần sau con sẽ làm tốt hơn nữa", "Con rất tập trung và sắp ném bóng vào rổ rồi, cố lên".
Thanh Thảo giúp cho Dâu thấy được lợi ích thiết thực của thể thao đến chính bản thân con, để từ đó khuyến khích con năng tập luyện hơn.
Xây dựng thói quen
Vợ chồng MC cố gắng sắp xếp công việc để có thời gian cùng con vận động mỗi ngày. Có nhưng hôm mệt mỏi nhưng anh chị vẫn dành 15-30 phút để tập yoga hoặc vận động cùng con. "Sự ảnh hưởng của Thảo đến các bé khá lớn nên Thảo làm gì các con cũng hay làm theo. Việc mình tập thể thao mỗi ngày cũng giúp cho con thấy tầm quan trọng của thể thao", chị nói.
Trong gia đình Thanh Thảo, không có cảnh ba đọc báo, mẹ lướt mạng, các con chơi với nhau. Cả nhà tắt các thiết bị công nghệ, ưu tiên dành trọn buổi tối cho gia đình.
Mỗi sáng cuối tuần, cả nhà chạy bộ trong công viên. Buổi chiều là lúc gia đình thả lỏng cơ thể dưới hồ bơi. Trẻ con thường mau chán nên chị thường đổi mới hình thức vận động như cùng Dâu, Bon ném máy bay, chơi bóng... để tạo sự hào hứng.
Cả nhà Thanh Thảo xây dựng thói quen tập luyện thể thao mỗi ngày.
Nhờ duy trì vận động mỗi ngày, cô bé 10 tuổi dần hình thành thói quen tập luyện, càng lớn càng bộ lộ rõ tình yêu với thể thao. Bé năng vận động, có thể chơi nhiều môn như bóng rổ, bơi lội, chạy bền, nhảy hiện đại. Sau khi đi học về, bé thích chơi bóng với em. Năm học trước có ý nghĩa đặc biệt khi Dâu trở thành một trong 10 bạn vào đội bóng rổ của trường.
"Từ cô bé có dáng người nhỏ nhắn nhờ siêng năng vận động thể lực, chiều cao của Dâu dần vượt mức, khung xương phát triển tốt. Con ít bệnh, nếu có cũng ho sổ mũi thông thường. Nhìn con năng động, tự tin, Thảo không giấu được niềm vui vì nỗ lực của gia đình phần nào đạt được kết quả", chị nói.
Dạy con nhiều bài học từ thể thao
Theo Thanh Thảo, tập luyện thể thao còn là cách rèn cho con những giá trị cần thiết trong cuộc sống như lòng quyết tâm, sự kiên trì, tinh thần đồng đội... Chị không thể nào quên cách con sát cánh cùng đồng đội với nụ cười rạng rỡ trên môi hay khoảnh khắc bé òa khóc khi để thua đối thủ. Nhờ thắng thua, những lần cọ xát trong thi đấu, con dần trở nên mạnh mẽ, biết cách vượt khó để đạt mục tiêu.
Tính kỷ luật, sự tập trung, lòng kiên nhẫn còn có ích cho việc học, Dâu tiếp thu bài nhanh hơn, đạt kết quả tốt. Nguồn năng lượng tích cực được hình thành mỗi ngày thông qua thể thao giúp con giảm mệt mỏi, hào hứng học tập trong năm mới.
Theo thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A, trẻ cần có sự cân bằng hoạt động học tập, phát triển kỹ năng xã hội, rèn luyện thể chất để phát triển toàn diện. Cha mẹ lưu ý sắp xếp thời gian đồng đều trên các nhánh hoạt động, đảm bảo trẻ không bị quá tải. Quan trọng hơn, trẻ phải tự nhận thức được lợi ích trong từng việc làm, cảm nhận niềm vui qua từng trải nghiệm.
Trẻ cần có sự cân bằng hoạt động học tập, phát triển kỹ năng xã hội, rèn luyện thể chất để phát triển toàn diện.
"Thể thao là một người thầy tuyệt vời" bởi vì thông qua thể thao, trẻ có thể học được những giá trị sống đáng quý như tinh thần đồng đội, sự bền bỉ, lòng quyết tâm và niềm đam mê, giúp trẻ thành công hơn trong cuộc sống và trở thành "nhà vô địch" thật sự. Đó chính là niềm tin của Nestlé MILO.
Với niềm tin ấy, từ năm 2016, Nestlé MILO đã hợp tác với Bộ Giáo dục & Đào tạo và Tổng cục Thể dục Thể thao triển khai chương trình "Năng Động Việt Nam" (Đề án 641) với sứ mệnh nuôi dưỡng thế hệ trẻ em Việt Nam năng động và khỏe mạnh.
Tác giả: Kim Uyên
Nguồn: Vnexpress